skip to Main Content
Menu

Dệt may hồi sinh và những rào cản mới

(BKTSG) – Các dự án sợi, dệt, nhuộm đã được khởi động lại sau khi bị đình hoãn hoặc tạm thoái lui từ “cú sốc” Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn…

Hồi sinh và mở rộng

Công ty TNHH một thành viên Trillions Enterprise (đăng ký đầu tư từ Brunei) có nhà máy dệt nhuộm ở khu công nghiệp Tân Đức (tỉnh Long An) vừa đề xuất được dành thêm 5 héc ta đất trong khu này cho việc mở rộng sản xuất, nâng tổng diện tích đất của dự án lên 11,5 héc ta. Trong khi đó, Công ty TNHH Sợi Long Thái Tử (Hàn Quốc) cũng vừa quyết định tăng thêm hơn 50 triệu đô la Mỹ để mở rộng nhà xưởng tại khu công nghiệp Long Khánh (Đồng Nai).

Tại tỉnh Bình Dương, tập đoàn Far Eastern (Đài Loan) gần đây cũng điều chỉnh tăng vốn thêm 485,8 triệu đô la Mỹ, nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn này tại dự án ở khu công nghiệp Bàu Bàng lên gần 760 triệu đô la Mỹ, chỉ sau chưa tới hai năm đi vào hoạt động. Thừa nhận việc đầu tư vào Việt Nam từ giữa năm 2015 không nằm ngoài mục tiêu tận dụng cơ hội do TPP mang lại, nhưng Far Eastern cũng khẳng định ngay cả khi Mỹ rút khỏi TPP thì họ cũng không thay đổi kế hoạch tăng vốn sản xuất để đưa dự án vải, hóa sợi tại Bình Dương trở thành dự án lớn thứ ba sau các nhà máy của tập đoàn tại Trung Quốc và Đài Loan. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, dự án này của Far Eastern có quy mô vốn đăng ký lớn trong tốp 5 được cấp phép trong tám tháng đầu năm 2017.

So với ba năm trước, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực dệt may từ đầu năm đến nay không có nhiều dự án mới có quy mô lớn, nhưng các nhà đầu tư có dự án trước đây lại có động thái triển khai dự án trở lại hoặc tăng vốn sản xuất. Một số doanh nghiệp dệt may trong nước cũng đang đẩy mạnh đầu tư, như Nhà máy Dệt Bảo Minh ở Nam Định đầu tư khoảng 75 triệu đô la Mỹ vào sản xuất vải chất lượng cao, dự kiến hoạt động vào tháng 3-2018. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), số vốn rót vào dệt may từ đầu năm đến nay có thể lên đến gần 2 tỉ đô la Mỹ. Dù ngành may mặc trong nước không còn kỳ vọng việc được giảm thuế suất về 0% nhưng Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong bảy tháng đầu năm nay đạt trên 17 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,94% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 56% kế hoạch xuất khẩu năm. Với kết quả này, cộng với tiến độ nhập khẩu nguyên phụ liệu đang tăng nhanh (trị giá nhập khẩu bảy tháng đạt 11,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 18,76%), Vitas dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong năm tháng cuối năm sẽ tăng mạnh và có khả năng vượt mục tiêu đặt ra cho cả năm ở mức 30-31 tỉ đô la Mỹ (tăng 7% so với năm ngoái).

Theo Vitas, TPP không có Mỹ thì ngành dệt may trong nước vẫn còn các hiệp định khác với EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…, trong đó, ở thị trường EU, ngành dệt may mới chiếm thị phần khoảng 3% nên vẫn còn cơ hội tăng trưởng trong giai đoạn 2018-2020.

Trao đổi với TBKTSG, các doanh nghiệp trong ngành cũng cho rằng dù Mỹ không tham gia TPP, ngành dệt may vẫn giữ được nhịp độ cũ, chỉ là không đạt như kỳ vọng khi có TPP. Việc “hồi sinh” tăng vốn đầu tư gần đây tại các dự án có thể sẽ giúp tháo “nút cổ chai” từ bấy lâu nay ở công đoạn sợi, dệt, nhuộm trong việc nâng cao giá trị hàng dệt may Việt Nam.

Lo phòng vệ thương mại

Việc ký kết các FTA mở ra nhiều cơ hội cho ngành dệt may khi hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ thì các hàng rào phi thuế quan sẽ được dựng lên để bảo hộ sản xuất trong nước. Bằng chứng là, sau khi mặt hàng sợi sang Trung Quốc bị áp dụng biện pháp phòng vệ, doanh nghiệp Việt Nam đã mở thị trường xuất khẩu khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ… Tuy nhiên, cánh cửa xuất khẩu sang hai thị trường này cũng dần khép lại khi các thị trường cũng lần lượt áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi Việt Nam. Tháng 3 vừa qua, sản phẩm sợi “Elastomeric Filament Yarn” đã bị Tổng vụ Chống bán phá giá, chống trợ cấp Ấn Độ (DGAD) chính thức áp thuế lên tới 35-45%. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã áp thuế chống bán phá giá từ 34,81-72,56% với sợi dún polyester nhập khẩu từ Việt Nam. Thị phần của Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm từ 9,8% năm 2015 xuống còn 5,7% năm 2016, nguyên do là cầu của thị trường yếu, bị các nhà sản xuất khác cạnh tranh khốc liệt và do thuế chống bán phá giá.

Tháng 6 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cũng đã khởi xướng vụ chống bán phá giá với sợi polyester nhập khẩu từ Việt Nam. Nhưng gần đây, DOC đã có thông báo chấm dứt điều tra do bên nguyên rút đơn kiện.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy những năm gần đây, các thị trường xuất khẩu lớn đã tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam. Còn theo dự báo của Vitas, tình hình này sẽ còn tiếp diễn, do đó, doanh nghiệp cần biết “thích nghi” với các vụ kiện. Theo ông Vũ Đức Giang, khi gặp phải các rào cản kỹ thuật, bên cạnh các giải pháp phòng vệ từ phía cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cũng cần có sự linh động để không bị phụ thuộc vào một thị trường. Ngoài ra, để cạnh tranh bình đẳng, Bộ Công Thương và các hiệp hội ngành nghề cần sớm đưa ra các giải pháp hoặc rào cản kỹ thuật nhằm phòng vệ một cách chính đáng trước sản phẩm của nước ngoài đang có dấu hiệu bán phá giá ở thị trường Việt Nam.

Giải bài toán áp lực phí nhân công

Một vấn đề khác mà ngành dệt may đang phải đối mặt là chi phí, tiền lương nhân công tăng lên. Theo các doanh nghiệp trong ngành, chi phí đầu vào của sản phẩm dệt may Việt Nam bao gồm chi phí tiền lương, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, hiện cao hơn một số nước trong khu vực, trong đó, chi bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cao hơn khoảng 2,5 lần. Năm ngoái, tiền lương tối thiểu của công nhân dệt may tăng 13% đã tạo áp lực lớn lên toàn ngành.

Trước đó, thống kê tại một số doanh nghiệp may mặc như Vinatex, May Nhà Bè, Việt Tiến, May 10… cho thấy thu nhập của công nhân đã cao hơn, trung bình hơn 6 triệu đồng/tháng. Hiện mức đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động cũng rất cao (doanh nghiệp phải đóng khoảng 22%), trong khi một số nước đang cạnh tranh với Việt Nam, như Myanmar, doanh nghiệp không mất phí bảo hiểm xã hội. Năm nay, chi phí nhân công tiếp tục là vấn đề khó khăn với không ít doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, khi Hội đồng Tiền lương quốc gia nâng mức lương tối thiểu vùng bình quân 7,3% so với năm 2016 trong khi sức ép giảm giá sản phẩm từ phía khách hàng ngày càng lớn.

Từ năm 2018, mức tính đóng bảo hiểm xã hội, ngoài lương còn tính thêm các khoản phụ cấp, bổ sung thu nhập, nên dự báo chi phí đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp sẽ rất lớn. Chưa kể chính sách trợ cấp thất nghiệp cho người lao động đang tạo kẽ hở cho việc ổn định lao động. Tình trạng nhiều người nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp rồi sau đó đi tìm việc khác khiến tình hình lao động diễn biến phức tạp, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may.

Có ý kiến lo ngại với chi phí đầu vào gia tăng như hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu không có sự đột phá nào thì rất dễ bị dẫn đến nguy cơ phải ngưng hoạt động.

Trong bối cảnh khó khăn, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cũng đã có những nỗ lực cụ thể, như chủ động tiếp cận những thị trường mới bao gồm Nam Phi, Bắc Phi và cả Trung Đông. Các nhà máy ở trong nước cũng đã áp dụng các mô hình quản lý hiện đại nhằm tăng năng suất lao động. Thế giới đã bắt đầu chạy đua vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0, và một lĩnh vực thâm dụng lao động đơn giản như dệt may, việc đổi mới công nghệ sẽ giúp tăng năng suất lao động, sử dụng ít lao động hơn nhờ có máy móc thay thế và giảm chi phí. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho công nghệ vẫn đang là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn Online

Back To Top
Tư vấn báo giá