Tương lai nào cho ngành dệt may Việt Nam?
Xuất khẩu dệt may của Việt Nam hàng năm đang thu về hàng chục tỷ USD, song triển vọng của ngành này sẽ ra sao khi phải đối diện với những thách thức lớn như: sức ép cạnh tranh gay gắt của các đối thủ, sự gia tăng rào cản thương mại từ các nước nhập khẩu, các doanh nghiệp (DN ) FDI có lợi thế hơn về cả vốn và nguồn lực làm gia tăng thêm áp lực kinh doanh giữa các DN vừa và nhỏ trong nước?
Quý I/2017, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 5,63 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vẫn duy trì mức tăng trưởng nhưng ngành này được cho là đang ẩn chứa nhiều thách thức lớn.
Cạnh tranh gay gắt
Đơn cử như tại tỉnh Đồng Nai (một trong năm tỉnh, thành đứng đầu cả nước về phát triển ngành dệt may), trong quý I/2017, kim ngạch xuất khẩu của các DN may mặc ở tỉnh này chỉ đạt 369 triệu USD, giảm 5,4% so với quý I/2016. Trong đó, xuất khẩu dệt may sang các thị trường lớn hầu hết đều giảm mạnh.
Số liệu cụ thể từ Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho thấy, xuất khẩu dệt may vào Hoa Kỳ 158 triệu USD, giảm hơn 21%; Nhật Bản 39 triệu USD, giảm hơn 7%; Hàn Quốc 20 triệu USD, giảm hơn 27%; Hà Lan 11 triệu USD, giảm gần một nửa…
Nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu dệt may giảm mạnh là do hàng của Việt Nam bị cạnh tranh với hàng của các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước trong khối ASEAN.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu dệt may của Đồng Nai cũng như cả nước trong ba quý còn lại của năm 2017 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn vì hai thị trường lớn là Hoa Kỳ và châu Âu tiếp tục giảm nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam.
Chia sẻ với giới DN may mặc tại Tp.HCM vào cuối tuần qua, xoay quanh chủ đề “Ngành may mặc đi về đâu ở Việt Nam”, doanh nhân Việt kiều Mathieu Đỗ, Tổng Giám đốc Lectra Việt Nam, đã chỉ rõ một trong những thách thức lớn nhất của ngành may mặc Việt hiện nay là đang chịu sự cạnh tranh gay gắt của Bangladesh và Myanmar.
Ngoài ra, còn là sự gia tăng rào cản thương mại từ các nước (chẳng hạn như Hoa Kỳ), đồng thời các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng làm tăng sự cạnh tranh về nguồn lực và kinh doanh giữa các DN vừa và nhỏ.
Những thách thức này cộng với các điểm yếu cố hữu càng khiến ngành may mặc Việt sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong tương lai. Theo ông Mathieu Đỗ, những hạn chế cũ đến nay vẫn chậm khắc phục, như việc phụ thuộc nhiều vào nguyên – phụ liệu nhập khẩu. Các DN nội địa chủ yếu sản xuất hàng may mặc chi phí thấp, giá trị không cao.
“Hơn nữa, ngành may mặc Việt đến giờ vẫn thiếu thương hiệu và các nhà sản xuất chỉ chủ yếu cạnh tranh về giá cả, trong khi các DN nội còn thiếu đầu tư công nghệ cao. Và như vậy, sẽ dẫn tới năng suất thấp, không có khả năng để đạt đến trình độ sản xuất quy mô lớn như những tập đoàn lớn trên thế giới”, ông Đỗ lưu ý.
Tương lai khó đoán
Trên thực tế, tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may lâu nay vẫn tập trung chính vào sản xuất của khối DN FDI, vốn chủ yếu dựa vào nguồn lao động rẻ. Mặt khác, các đơn hàng dệt may đang ngày càng bị hút sang những nước như Bangladesh, Myanmar, Campuchia, Lào do những nước này có ưu đãi thuế suất 0% khi xuất vào các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản.
Theo phân tích của Technopak (tổ chức tư vấn quốc tế), châu Á vẫn là “nhà máy” sản xuất may mặc của thế giới hôm nay và tương lai. Những nước đứng đầu về xuất khẩu quần áo hiện nay là Trung Quốc, Bangladesh, Việt Nam, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Campuchia.
Phân tích này về ngành may mặc cũng cho rằng chiến lược tìm nguồn cung ứng kép là sự kết hợp giữa châu Á và các thị trường cung ứng lân cận. Theo Technopak, thách thức chủ yếu của ngành may mặc trong việc cung ứng chính là việc cần nâng cao năng suất và hiệu quả; giảm thiểu thời gian sản xuất ra sản phẩm; duy trì danh tiếng thương hiệu và cư xử có trách nhiệm; quản lý rủi ro (chính trị địa phương, lao động, kỹ thuật, nợ).
So sánh giữa Việt Nam và Bangladesh cho thấy, đối thủ này đang ngày càng rút ngắn khoảng cách với Việt Nam về kim ngạch và họ có nhiều lợi thế về mặt nhân công vừa nhiều vừa rẻ. Trong năm 2016, nếu như kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 27,5 tỷ USD, Bangladesh cũng đạt tới 26 tỷ USD.
Trong khi đó, quy mô lao động trong ngành dệt may ở nước ta hiện nay là 2,5 triệu người với thu nhập bình quân đầu người là 200 USD, còn số lao động dệt may ở Bangladesh gần gấp đôi (4,3 triệu người) nhưng thu nhập bình quân đầu người chỉ 66 USD.
Theo các chuyên gia nhận định, sản xuất hàng may mặc của Việt Nam được dự báo tăng trưởng 15 – 20% từ nay đến năm 2020, doanh thu xuất khẩu hàng may mặc đạt mục tiêu 45 – 50 tỷ USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, đạt mục tiêu doanh thu như vậy là cả một vấn đề lớn.
Thời gian qua, ngành may mặc Việt cũng đã có những sáng kiến để vượt qua các thách thức nhằm đạt được mục tiêu. Đó là giảm sự phụ thuộc vào nguyên – phụ liệu nhập khẩu bằng cách thành lập Khu công nghiệp Rạng Đông, chuyên sản xuất nguyên – phụ liệu may mặc.
Ngoài ra, Chính phủ đã có những nỗ lực nhằm thu hút thêm nguồn vốn FDI đầu tư vào ngành này. Nhà nước cũng hỗ trợ các nhà sản xuất nguyên liệu trong nước bằng cách áp thuế nhập khẩu 2% đối với sợi Polyester.
Các sáng kiến này sẽ cần thời gian để chứng minh xem có thể giúp đỡ cho ngành may mặc Việt hay không? Vì vậy, câu trả lời cho tương lai ngành may mặc Việt đi về đâu vẫn còn ở phía trước!
Nguồn thoibaokinhdoanh.vn